VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 304/57/1 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Quản lý dinh dưỡng và kỹ thuật bón phân cho cà phê

Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê

Quản lý dinh dưỡng cây cà phê kết hợp với kỹ thuật bón phân cho cà phê đúng cách sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, cây phát triển bền vững. Đây là một bước quan trọng trong quy trình trồng cà phê hiệu quả. Sau đây là một số kinh nghiệm và tài liệu mà vườn ươm cây giống Tiến Đạt tổng hợp được về chủ đề này.

Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê
Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê

Điều kiện đất để trồng cà phê

Nhìn chung cà phê không yêu cầu khắt khe về đất trồng, miễn là đất thoát nước tốt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, pH đất trồng từ 4,5 – 5.0, tầng đất mặt (tầng đất canh tác) đủ sâu từ 80cm trở lên. Có thể trồng cà phê trên đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha, tuy nhiên để đạt năng suất cao nhất đúng theo thông số của giống cà phê, thì vùng Tây Nguyên là thích hợp nhất.

Nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê

Cây cà phê cần rất nhiều dinh dưỡng, nhiều nhất là kali sau đó đến đạm. Nguồn dinh dưỡng cần để cây tạo 1 tấn nhân (đối với cây cà phê vối) là 34,2kg N (Đạm) + 6,1kg P2O5 + 46,9kg K2O (Kali) + 4,1kg MgO + 4,3kg CaO và các trung vi lượng khác

Các biểu hiện và triệu chứng thiếu phân trên cây cà phê

  • Thiếu đạm: Cây sinh trưởng chậm, thấp lùn, ít cành, ít chồi mới, lá nhỏ, mép lá chuyển thành màu vàng rồi vàng úa, bắt đầu từ các lá già sau đó đến lá non. Những lá nằm sâu trong thân, nằm dưới lá khác vẫn giữ được màu xanh. Bên cạnh đó, thiếu đạm còn làm đầu cành bị khô, lá rụng dần, dẫn đến cành trơ trụi, năng suất sụt giảm, ít quả, quả dễ rụng, chất lượng nhân kém
  • Thiếu kali: Trên lá xuất hiện các đốm hoặc sọc vàng hơi đỏ, sau đó chuyển thành nâu đen và đan dọc rìa lá, các dấu hiệu này thường xuất hiện từ chóp lá, từ rìa lá lan dần vào trong, làm lá khô dần và rụng nhiều, đặc biệt vào đầu mùa lạnh khi có gió lạnh. Cây trút lá nhiều dẫn đến cành trơ trụi. Thiếu kali còn làm cho năng suất giảm, ít quả, quả nhỏ, quả rụng nhiều, số lượng quả 1 nhân, quả lép hạt xuất hiện nhiều, chất lượng nhân giảm
  • Thiếu lân: Thường dễ nhận thấy ở các lá già của cành mang nhiều quả. Lá nhợt nhạt, có màu vàng chanh dần chuyển sang hồng. Thiếu lân nặng lá sẽ chuyển màu đỏ xỉn, nâu tím rồi chết. Triệu chứng thường bắt đầu từ chóp lá, sau lan dần ra toàn bộ lá, lá non có màu xanh tối, dễ rụng. Thiếu lân làm cho rễ kém phát triển, cây hóa gỗ chậm, ít hoa, hoa nở rải rác không tập trung, tỷ lệ đậu quả kém, năng suất chất lượng quả đều giảm
  • Thiếu canxi: Chóp lá cong không đều vào phía trong, cây yếu dễ đổ ngã, gãy cành, rễ kém phát triển, dễ bị sâu bệnh tấn công
  • Thiếu magiê: Ban đầu các gân lá từ xanh sẫm chuyển thành các vệt màu xanh ôliu lan từ giữa lá ra phía ngoài. Xuất hiện những vệt vàng song song với gân chính, sau đó lan rộng ra. Vùng giữa các gân lá chuyển từ màu xanh ôliu sang xanh lá mạ rồi sang vàng và cuối cùng thành màu đồng thau, lá rụng nhiều, năng suất và chất lượng thấp. Thiếu magiê có thể là do đất thiếu magiê hoặc canh tác nhiều năm nhưng không bón phân có chứa Mg hoặc do bón quá nhiều Kali.
  • Thiếu lưu huỳnh: Các chùm lá cà phê non trên cùng chuyển từ xanh sẫm sang màu vàng nhạt, đặc biệt xuất hiện trên lá non, rìa (mép) lá bị uốn cong, lá giòn, dễ gãy, dễ rách và khô từ ngoài mép vào trong lá. Các lá già bị rụng nhiều, chỉ còn các lá non có màu vàng nhạt, năng suất và chất lượng đều giảm. Thiếu lưu huỳnh thường xuất hiện rõ ở các cây kiến thiết cơ bản. Thiếu lưu huỳnh có thể do đất thiếu lưu huỳnh hoặc do chỉ bón các loại phân không có S.
  • Thiếu kẽm: Lá nhỏ, hẹp bề ngang, hệ thống gân nổi trên nền lá xanh nhạt hoặc vàng. Chùm lá trên ngọn mọc sít nhau. Các chồi non phát triển chậm, không vươn ra được. Khi thiếu trầm trọng, lá bị chết và rụng. Thiếu kẽm làm cho cây cà phê không thể phát triển được, năng suất rất thấp dù có bón nhiều phân đa lượng.
  • Thiếu Bo: Các chồi non bị chết, lá non ra như cái quạt, lá biến dạng, một bên mép lá ngắn lại làm cho lá cong queo, bản lá hẹp và dài, chóp lá có màu xanh ôliu hoặc xanh vàng. Thiếu bo làm số hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, quả non rụng nhiều, năng suất và chất lượng thấp. Sự thiếu hoặc thừa bo có quan hệ chặt chẽ với hàm lượng canxi trong lá. Nếu canxi trong lá cao thì mức độ ngộ độc bo giảm, ngược lại nếu hàm lượng canxi thấp thì dù nồng độ bo thấp cây cũng có thể bị ngộ độc.
  • Thiếu mangan: Các cặp lá trưởng thành trên đầu cành chuyển từ màu vàng sang xanh nhạt, hay từ xanh ô liu thành màu vàng có đốm trắng, lá rụng nhiều, Thiếu mangan dẫn tới năng suất thấp, chất lượng giảm.

Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê

Bón phân cho cà phê kiến thiết (1-3 năm đầu)

  • Bón lót khi trồng: 20 – 30kg phân hữu cơ + 0,5 – 1kg vôi + 50 – 100g NPK (tỷ lệ 2:2:1 có S và TE. ví dụ: 16-16-8-13S hoặc 20-20-15-TE)
  • Bón thúc sử dụng phân NPK 2-2-1 có S và TE như trên với liều lượng tương ứng theo năm như sau
    + Năm đầu tiên: 400 – 600kg/hecta (Khoảng 0.5kg/1 cây)
    + Năm thứ 2: 600 – 800kg / hecta (Khoảng 0,7kg/1 cây)
    + Năm thứ 3: 800kg – 1 tấn / hecta (Khoảng 0,9kg/1 cây) đồng thời bón bổ sung 20-30kg phân hữu cơ
  • Phân vô cơ (NPK) chia ra bón thành 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Riêng phân hữu cơ bón vào khoảng tháng 5-6 DL
  • Cách bón phân: Bón phân vô cơ kết hợp với vét bồn, mở bồn, rải đều phân quanh mép bồn, lấp nhẹ tránh thất thoát do bay hơi. Đối với phân hữu cơ: Đào rãnh sâu 20 – 30cm sát mép bồn, lấp đất lại

Bón phân cho cà phê giai đoạn kinh doanh

Giai đoạn kinh doanh, cây cần nhiều đạm (N) và kali (K) hơn lân. Bên cạnh đó cây cũng cần nhiều trung và vi lượng hơn để phát triển, tăng tỷ lệ đậu quả.

Phân hữu cơ cũng cần thiết để đất tơi xốp, rễ khỏe, giảm nấm bệnh. Có thể bón 2 năm 1 lần, mỗi lần bón 30-50kg/1 cây, bằng cách đào rãnh đối xứng sát mép bồn, hoặc đánh rãnh ở giữa hàng (Khi cây đã giao tán), bón xong lấp đất lại. Có thể lấp phân cùng lá khô do cây rụng xuống, cây chắn gió, cây trồng màu (ép xanh).

Phân vô cơ thường dùng là phân NPK tổng hợp hoặc phân trộn chia thành 5 lần bón trong năm, với liều lượng và tỷ lệ như sau

  • Đợt 1 (Bón vào đầu mùa mưa, khi mưa đã đều): 500-700 kg phân NPK 16-8-16-13S-TE Đầu Trâu hoặc phân ĐẦU TRÂU CÀ PHÊ (25-10-20+TE) cho mỗi ha.
  • Đợt 2 (Bón vào giữa mùa mưa): 700-800 kg phân NPK 16-8-16-13S-TE Đầu Trâu hoặc phân ĐẦU TRÂU CÀ PHÊ (25-10-20+TE) cho mỗi ha.
  • Đợt 3 (Bón vào gần cuối mùa mưa, trước khi chấm dứt mưa ít nhất là 20 ngày): 800-1000 kg phân NPK 16-8-16-13S-TE Đầu Trâu hoặc phân ĐẦU TRÂU CÀ PHÊ (25-10-20+TE) cho mỗi ha.
  • Đợt 4 (Bón vào đầu mùa khô khi tưới đợt 1 hoặc 2): 200-300 kg phân ĐẦU TRÂU MÙA KHÔ (NPK 20-5-6+TE) chuyên dùng cho cây cà phê kết hợp với đợt tưới nước.
  • Đợt 5 (Bón vào gần cuối mùa khô khi tưới đợt 3 hoặc 4): 200-300 kg phân ĐẦU TRÂU MÙA KHÔ (NPK 20-5-6+TE) chuyên dùng cho cây cà phê kết hợp với đợt tưới nước.

Nếu năng suất vườn cà phê cao hơn mức 4 tấn nhân/ha thì cần bón tăng thêm từ 150-200 kg/ha ở mỗi lần bón trong quy trình trên.

Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình trồng và chăm sóc cây cà phê, bài viết có sử dụng tư liệu của website phuocancoffee.com.vn. Xin cảm ơn

Bình luận
Đang tải bình luận
Chat Zalo