VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 304/57/1 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Bệnh tiêu điên, xoăn lá: Dấu hiệu và cách phòng trừ

Bệnh tiêu điên - Tiêu xoăn lá

Bệnh tiêu điên, tiêu xoăn lá có nhiều tên gọi khác nhau như: Bệnh tiêu lùn, bệnh tiêu khảm, bệnh long khớp, bệnh tiêu cằn, bệnh xoắn lùn… Bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân của bệnh, cũng như cách phòng trừ, chữa trị. Mời bà con cùng theo dõi.

Bệnh tiêu điên, xoăn lá: Dấu hiệu và cách phòng trừ
Bệnh tiêu điên, xoăn lá: Dấu hiệu và cách phòng trừ (Hình ành: mpd.vn)

Bên cạnh bệnh tiêu chết nhanh, tiêu chết chậm, thì bệnh tiêu điên – tiêu xoăn lá cũng là dạng bệnh phổ biến trên cây tiêu, nguyên nhân gây ra bệnh có rất nhiều, nhưng có thể tạm tổng kết như sau

a. Triệu chứng dấu hiệu bệnh tiêu điên

Bệnh thường bùng phát ở tiêu tơ 1,2 năm tuổi, ở tiêu giai đoạn kinh doanh cũng có thể bị nhưng ít. Khi mắc bệnh, tiêu thường có các biểu hiện sau:

  • Đốt thân (khoảng cách giữa hai mắt) ngắn lại
  • Lá xoăn + nhăn nheo + hơi gợn sóng, nhỏ hơn bình thường, mất sắc tố màu nhợt nhạt, khi lấy tay vò thì thấy giòn, một số trường hợp lá có màu xanh phân bố không đồng đều, chỗ đậm chỗ nhạt
  • Dây không vươn dài, dẫn đến thân lùn, đọt không phát triển + tiêu không thể phủ trụ (do virus), hoặc đọt vẫn phát triển nhưng chậm và thường bị biến dạng (do côn trùng chích hút, rối loạn dinh dưỡng)
Bệnh tiêu điên - Tiêu xoăn lá
Bệnh tiêu điên – Tiêu xoăn lá

b. Nguyên nhân bệnh tiêu điên

  • Do bị côn trùng chích hút nhựa cây làm lá và đọt non biến dạng
  • Do mất cân bằng dinh dưỡng
  • Do rối loạn sinh trưởng
  • Do bộ rễ kém phát triển
  • Độ PH của đất quá thấp
  • Do tiêu bị nhiễm virus

c. Biện pháp phòng trừ chữa trị tiêu điên

Để phòng trừ và chữa trị tiêu điên, trước tiên ta cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh, bằng cách quan sát hoặc nhận định:

  • Quan sát mặt dưới của lá, ở đọt non, trên thân có các loại côn trùng chích hút nhựa cây -> Do côn trùng
  • Chế độ phân bón thuần phân vô cơ, không bổ sung thêm các chất trung – vi lượng : lưu huỳnh (S), canxi (Ca) và magiê (Mg) / sắt (Fe), kẽm (Zn), mangan (Mn), bo (B), đồng (Cu), molypđen (Mo) -> Do thiếu cân đối dinh dưỡng. Trường hợp này đọt vẫn phát triển, lá thường có hiện tượng không cân đối về màu sắc (chỗ xanh chỗ nhạt)
Tiêu thiếu vi lượng
Tiêu thiếu vi lượng (Ảnh: giatieu.com)
  • Cắt hom tiêu khi hom tiêu đã già, chuyển sang màu vàng – nâu, cắt trong ngày nắng gắt hoặc mưa dầm, thời tiết tiêu cực, đọt non vừa ra lá đã xuất hiện dấu hiệu của bệnh tiêu điên. Hoặc vừa hãm ngọn (tiêu ác), đôn dây (tiêu lươn) chồi non, cành mọc ra có dấu hiệu tiêu điên -> Do rối loạn sinh trưởng
  • Tiêu trồng quá sâu, nhổ thử một vài cây thì thấy rễ ít và yếu, hoặc bị tuyến trùng, rệp sáp làm tổ -> Do rễ kém phát triển, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây và lá bên trên
  • Thử độ PH của đất chỉ đạt từ 4 – 5, càng sâu xuống dưới độ PH càng giảm -> Do đất bị chua, không đủ độ PH cho tiêu phát triển
  • Nếu loại trừ các nguyên nhân trên, thì chỉ còn khả năng là -> tiêu điên do virus. Thông thường đối với tiêu điên do bị virus theo kinh nghiệm nên nhổ bỏ, chữa trị tốn kém mà ít hiệu quả. Phần thân, rễ, lá của cây bị bệnh sau khi nhổ cần đốt bỏ, tiêu hủy hoàn toàn. Đào toàn bộ đất ở hố trồng lên, khử trùng, phơi đất ít nhất 6 tháng – 1 năm mới trồng lại

c1. Phòng trừ bệnh tiêu điên

Như đã nói trên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu điên, ưu tiên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

  • Không sử dụng hom tiêu giống từ các vườn có dấu hiệu bị bệnh
  • Không cắt hom tiêu vào các ngày nắng gắt, mưa dầm, thời điểm cắt tốt nhất là vào buổi sáng
  • Khử trùng các nông cụ trước khi tiến hành cắt hom, chăm sóc tiêu, không dùng chung nông cụ giữa các cây bị bệnh và cây khỏe mạnh
  • Không trồng tiêu quá sâu, hố trồng tiêu cần đủ ẩm trong mùa khô, nhưng không được ngập úng trong mùa mưa
  • Vườn tược cần thông thoáng, hạn chế ẩm thấp dễ sinh các loại nấm và sự phát triển mạnh của côn trùng, nếu thấy sự xuất hiện của côn trùng cắn hút nhựa: Rệp muội, nhện đỏ, rệp xanh, bọ xít muỗi… cần phải diệt trừ ngay
  • Thường xuyên kiểm tra độ PH của đất, đất trồng tiêu phù hợp phải có độ PH từ 5,5 – 6,5
  • Có các biện pháp che năng, chắn gió phù hợp, đảm bảo tiêu không bị thay đổi quá đột ngột về ánh sáng, độ ẩm, nên cho tiêu làm quen từ từ, nhất là khi từ vườn ươm đem ra trồng.
  • Bón phân cân đối, thường xuyên bổ sung các chất trung  vi lượng, nên sử dụng thêm các chế phẩm sinh học chứa khuẩn đối kháng Pseudomonas hay Trichoderma

c2. Chữa trị tiêu điên

  • Khi tiêu đã nhiễm bệnh, nếu số lượng trụ bị bệnh ít, nên nhổ bỏ, còn bị nhiều cần tiến hành kết hợp các biện pháp sau để chữa trị:
  • Tiêu điên do côn trùng: Nếu thấy có côn trùng chích hút, phun các loại thuốc trừ sâu sinh học, phun cả mặt dưới và mặt trên của lá, để tiêu diệt côn trùng và trứng của chúng. Dùng Abatox, Vibamec… 7 ngày sau phun nhắc lại. Khi không còn thấy dấu hiệu của côn trùng, tiến hành phục hồi cây bằng các loại phân sinh học, phân bón lá (vd: Biosol, Biogel)
  • Tiêu điên do thiếu cân đối về dinh dưỡng + rối loạn sinh trưởng: Sử dụng phân hữu cơ sinh học Biogel + Biosol theo hướng dẫn trên bao bì, để cung cấp và cân đối lại các chất trung vi lượng, cây sẽ dần hồi phục.
  • Tiêu điên bộ rễ kém phát triển: Phòng trừ tuyến trùng rệp sát hại rễ bằng cách đổ vào gốc các loại thuốc có hoạt chất Abamectin hay Carbosulfan. Nếu có dấu hiệu bị nấm dùng các thuốc có chứa Mancozeb, Metalaxyl hay thuốc gốc đồng. Sau thời gian cách ly tùy theo loại thuốc tiến hành bổ sung nấm đối kháng trichoderma để ngừa các loại nấm có hại. Đồng thời dùng Biogel + Biosol để kích thích rễ và phục hồi cây
  • Tiêu điên do đất chua, thiếu độ PH: Bón vôi và lân để khử chua, khi đất đo PH đạt 5,5 – 6,5 là được
Biosol + Biogel: Phân bón hữu cơ sinh học
Biosol + Biogel: Phân bón hữu cơ sinh học

Tóm lại, bước quan trọng nhất khi xử lý tiêu điên vẫn là xác định chính xác nguyên nhân bệnh, nếu chính xác là do virus thì hầu như không có cách chữa trị, cần nhỏ bổ, khử trùng đất, luân canh các loại cây ngắn ngày khác ít nhất 6 – 12 tháng, còn do các nguyên nhân khác thì tiến hành chữa trị như đã hướng dẫn, tránh trường hợp bỏ toàn bộ gây thiệt hại về kinh tế nặng nề.

Một số ý kiến cho rằng, bệnh tiêu điên do virus, còn do các nguyên nhân khác thì không gọi là tiêu điên, Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi ngay ở tên gọi đã phần nào gợi lên dấu hiệu bệnh: sinh trưởng không bình thường, rối loạn sinh trưởng = tiêu điên. Do đó ở bài này chúng tôi gọi chung bệnh xoăn lá, rối loạn sinh trưởng là bệnh tiêu điên. Chúc bà con có những thông tin bổ ích

Tìm kiếm : bệnh tiêu điên, tieu bi xoan la, cách trồng tiêu hiệu quả, bệnh xoăn lá, cách trị bệnh tiêu điên, tiêu xoăn lá, tiêu điên, trị bệnh tiêu điên, ki thuat trong tieu con, bệnh tiêu xoắn lá

Bình luận
Đang tải bình luận