Bệnh tiêu chết chậm – Cách phòng trừ và xử lý bệnh
Tóm tắt nội dung
Bệnh tiêu chết chậm là một loại bệnh hại hàng đầu trên cây hồ tiêu. Còn được gọi là bệnh tiêu vàng lá, tiêu bị tuyến trùng. Bài viết này Trung tâm cây giống Tiến Đạt sẽ chia sẻ cùng bà con nguyên nhân, cách nhận biết, các biện pháp phòng trừ và điều trị bệnh tiêu chết chậm. Mời bà con cùng theo dõi.
Bệnh chết chậm trên cây tiêu là gì?
Bệnh chết chậm hay còn gọi bệnh tiêu vàng lá, bệnh tuyến trùng… Cùng với bệnh tiêu chết nhanh tạo thành cặp “song sát” gây ra nỗi ám ảnh cho người trồng tiêu, một khi tiêu đã mắc bệnh, rất dễ lây lan ra cả vườn tiêu, gây nên dịch và làm tiêu chết hàng loạt. Bà con nên mạnh tay đào bỏ những cây có dấu hiệu nặng để hạn chế bệnh lây lan sang cây khác. Để trị bệnh tiêu chết chậm có hiệu quả nên phòng trừ là chính.
Cách nhận biết bệnh tiêu chết chậm
Cây tiêu sinh trưởng chậm lại, lá bị vàng héo trên toàn trụ tiêu và rụng dần, ban đầu là các lá già, sau đó đến rụng đốt, quan sát trong vườn tiêu thì bệnh xuất hiện thành từng vùng, ban đầu là một vài cây sau đó lan sang các cây bên cạnh và tạo thành vùng bệnh. Tiêu bị bệnh chết chậm có thể vẫn cho quả nhưng năng suất cực kỳ kém. Một số cây có điều kiện dinh dưỡng tốt và tiêu tơ bộ rễ đang phát triển mạnh, thì có thể chống chọi với bệnh lên đến 2-3 năm nhưng cuối cùng vẫn chết.
Bộ rễ tiêu bị bệnh chết chậm phát triển kém, khi đào lên quan sát thì thấy các nốt sần nằm rải rác hoặc nằm thành từng chuỗi.
Ở tiêu con (tiêu tơ mới trồng được 1-2 năm) các triệu chứng vàng lá do tuyến trùng thường dễ bị nhầm với thiếu dinh dưỡng, để nhận biết bà con nên quan sát nếu thấy lá non teo nhỏ, bạc màu, vàng đồng loạt trên toàn trụ, bứt lá thấy khá dai. thì nên kiểm tra ngay phần rễ, nếu xuất hiện nốt sần thì khả năng cao là tuyến trùng đã vào làm tổ, cây có thể sinh trưởng chậm nhưng chưa chết ngay, vào giai đoạn kinh doanh sẽ phát bệnh do bắt đầu nhiễm nấm
Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chết chậm
Tác nhân gây nên bệnh chết chậm là tuyến trùng Meloidogyne incognita và nấm Fusarium solani. Ban đầu tuyến trùng tấn công vào bộ rễ gây ra những vết thương tổn trên rễ, tạo điều kiện cho nấm Fusarium tấn công. Rễ tiêu bị nhiễm nấm yếu dần, việc cung cấp nước và dinh dưỡng cho phần cành lá bên trên không hiệu quả. Đồng thời theo thời gian sợi nấm và bào tử sẽ lan dần lên phần thân và cành, rễ bắt đầu thối và cây sẽ chết
Ngoài tuyến trùng, rệp sáp cũng là một nguyên nhân làm cho rễ cây, thân cây tổn thương tạo điều kiện cho nấm Fusarium tấn công và sinh sôi nảy nở.
Nước mang các bào tử nấm bệnh lây lan sang các cây bên cạnh và từ đó lan rộng ra, đây là nguyên nhân vì sao bệnh chết chậm thường xuất hiện vào mùa mưa
Biện pháp phòng trừ ngăn ngừa bệnh chết chậm
Như đã nêu trên, bệnh này do nấm kết hợp với tuyến trùng tấn công vào bộ rễ tiêu, phần rễ rất nhạy cảm và khó can thiệp trực tiếp được, do đó để ngăn ngừa bệnh chủ yếu là dùng các biện pháp phòng trừ trong quy trình chăm sóc tiêu, khi cây đã nhiễm bệnh nặng thì nên loại bỏ ngay, chữa trị thường gây tốn kém mà không có nhiều hiệu quả. Các biện pháp phòng trừ bao gồm:
- Không trồng tiêu trên các vườn cà phê, vườn tiêu vừa bị tuyến trùng phải nhổ bỏ, nếu muốn trồng lại thì phải tiến hành cày xới, thu gom rễ, phơi đất, sau đó luân canh ít nhất 2-3 vụ màu. Để diệt mầm tuyến trùng còn sót lại trong đất
- Xử lý hom tiêu ngay khi cắt và ươm bầu bằng các loại thuốc trị nấm
- Hố trồng tiêu cần xử lý bằng các loại thuốc trị nấm và phải chuẩn bị trước 10-15 ngày trước khi trồng tiêu
- Chọn các giống tiêu có khả năng sinh trưởng khỏe mạnh và kháng bệnh tốt như: Giống tiêu Vĩnh Linh, Giống tiêu trâu, Giống tiêu ghép
- Tạo môi trường thông thoáng cho vườn tiêu nhất là vào mùa mưa. Đối với cây trụ sống làm trụ tiêu cần rong tỉa mạnh đầu mùa mưa
- Khi trồng tiêu tốt nhất không nên tạo bồn, đồng thời cần phải có rãnh thoát nước ở giữa các hàng tiêu, tránh hiện tượng đọng nước ở gốc tiêu tạo điều kiện sinh sôi các loại nấm
- Tủ gốc trong mùa khô cũng không nên tủ vào sát gốc mà cách gốc 20-30cm, tưới nước vừa đủ, hạn chế tưới tràn làm bệnh lây lan nhanh hơn
- Phần tán tiêu cách mặt đất 20-30cm nên cắt bỏ các cành ngang, tạo sự thông thoáng nơi gốc tiêu
- Khi bón phân hóa học cần pha loãng để tưới, không nên bón nhiều trong một lần làm xót rễ, nấm dễ tấn công
- Phân chuồng bón cho tiêu nhất thiết phải là loại đã hoai mục
- Rãnh bón phân, ép xanh nên đào lên xịt thuốc nấm và phơi rãnh khoảng 10-15 ngày trước khi bỏ phân, cây xanh rồi lấp đất
- Mọi thao tác đào rãnh, xăm đất, cày xới, làm cỏ nên cách gốc tiêu 30cm, hạn chế tối đa làm tổn thương bộ rễ. Nhổ cỏ bằng tay ở phần sát gốc tiêu.
- Hàng năm nên dùng các loại thuốc diệt nấm, diệt tuyến trùng tưới hoặc phun vào gốc tiêu. (Tuyến trùng: đợt 1 vào đầu mùa mưa, đợt 2 vào cuối mùa mưa. Nấm: đợt 1 vào đầu mùa mưa cách đợt phun tuyến trùng 15-20 ngày, đợt 2 cách đợt 1 30-40 ngày). Các loại thuốc sử dụng thường chứa hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Streptomycin, Kasugamycin… Liều lượng và cách sử dụng nên tham khảo trên bao bì và khuyến cáo của nhà sản xuất.
Chữa trị bệnh chết chậm trên cây tiêu bằng thuốc hóa học
Thường chỉ áp dụng cho các trụ tiêu bị bệnh nhẹ, phát hiện đã bị tuyến trùng nhưng chưa bị nhiễm nấm hoặc xử lý để ngừa bệnh. Cây bị bệnh nặng quá nên đào bỏ và xử lý tận gốc trước khi trồng lại.
- Từ năm thứ 2 tiến hành tưới vào gốc tiêu dung dịch Bordaux 1% (Còn gọi là thuốc Boóc-đô). Tưới 2-3 lần chia đều suốt mùa mưa. Để phòng bệnh
- Năm thứ 3 trở đi thường là thời điểm bệnh bắt đầu xuất hiện, nên dùng các thuốc Trepachbul 607SL, Alpine 80WP, 800WDG, Mexyl MZ 72 WP phun hoặc tưới vào gốc 2-3 lần /năm, chia đều suốt mùa mưa để phòng bệnh, nếu để chữa bệnh thì phun 1 lần/tháng đến khi bệnh khỏi hẳn.
- Tuyệt đối không bón phân chứa nhiều đạm cho cây đang bị chết chậm, cây sẽ chết nhanh hơn
Tìm kiếm : chăm soc cây tiêu, bệnh chết chậm trên cây tiêu, bệnh vàng lá chết chậm, cách trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu, bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu, tieu chết chậm, bênh cay tiêu, bệnh chết chậm cây tiêu, trị bệnh tiêu chết chậm