VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 304/57/1 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Tìm hiểu thông tin về cây cà phê tại Việt Nam

Thông tin cơ bản, nguồn gốc xuất xứ của cây cà phê

Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu một số thông tin về cây cà phê: Nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm sinh trưởng, phân loại các giống cà phê. Đây là bước đầu tiên khá quan trọng trước khi đi sâu vào tìm hiểu kỹ thuật trồng cà phê. Mời bà con cùng tham khảo

Thông tin cơ bản, nguồn gốc xuất xứ của cây cà phê
Thông tin cơ bản, nguồn gốc xuất xứ của cây cà phê

Nguồn gốc cây cà phê tại Việt Nam

Cà phê là loại cây ngoại nhập không phải cây bản địa tại Việt Nam, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi. Cây thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae) trong họ thực vật này lại chia thành nhiều chi nhỏ, trong đó cây cà phê mà chúng ta trồng thuộc chi Coffea (chi cà phê). Tuy nhiên không phải loài nào trong chi Coffea cũng chứa chất caffein. Một số cây còn có hình thái thực vật khác xa cây cà phê như canh-ki-na, câu đằng, cây nhàu…

Cây cà phê lần đầu tiên được trồng tại Việt Nam vào khoảng năm 1870 do những giáo sĩ người Pháp mang đến, ban đầu chủ yếu là cây cà phê chè, được trồng trong khuôn viên một số nhà thờ ở Kontum, Quảng Bình, Hà Nam… Về sau theo chân quá trình thuộc địa hóa, người Pháp bắt đầu mở rộng quy mô thành những đồn điền lớn. Đồn điền cà phê đầu tiên được thành lập năm 1888 tại Kẻ Sở – Bắc Kỳ (nay thuộc Hà Nam). Các giống cà phê cũng bắt đầu đa dạng hơn, chủ yếu thuộc ba giống là:

  • Cà phê chè (Tên khoa học Coffea Arabica): Chiếm 61% sản lượng cà phê thế giới
  • Cà phê vối (Tên khoa học Coffea Robusta): Chiếm 39% sản lượng cà phê thế giới
  • Cà phê mít (Tên khoa học Coffea Liberica): Chiếm ít hơn 1% sản lượng

Ngày nay diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam thuộc top đầu của thế giới, chủ yếu được trồng nhiều tại Tây Nguyên, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước… và một số tỉnh thành khác trên khắp cả nước. Là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân.

Công dụng và cách dùng cà phê

Tên gọi thuốc uống mang tên cà phê tại Việt Nam được bắt nguồn từ chữ Café trong tiếng Pháp. Có nhiều cách pha chế khác nhau nhưng phổ biến nhất là rang hạt cà phê đã phơi khô, sau đó xay thành bột, dùng nước nóng ngâm trong phin hoặc máy ép để ép lấy nước cốt, bỏ phần bã. Khi uống có thể uống kèm với đường, sữa và đá tùy theo khẩu vị.

Ngoài ra chất caffein trong hạt cà phê còn được dùng trong sản xuất bánh kẹo, nước giải khát và dược phẩm. Với công dụng kích thích hệ thần kinh, tạo ra sự tỉnh táo, tăng cường hiệu suất làm việc nhất là những công việc liên quan đến trí óc. Tuy nhiên với liều lượng lớn có thể gây ra ngộ độc: chân tay bủn rủn, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…

Thị trường cà phê thế giới

Theo thống kê năm 2014, diện tích trồng cà phê tại Việt Nam là 653.000 hecta, năng suất bình quân đạt 5-6 tấn nhân/ha. Đứng đầu trên thế giới về xuất khẩu cà phê vối (Robusta). Có khoảng 60 quốc gia trồng và canh tác cà phê. Có thể kể đến là Brasil, Việt Nam, Ấn Độ, Uganda, Ethiopia… Thị trường tiêu thụ trải rộng trên khắp thế giới, nhiều nhất là châu Âu và Hoa Kỳ… Nơi cà phê được xem là thức uống phổ thông nhất.

Lưu ý: những năm gần đây, Brasil và một số quốc gia khác đã áp dụng công nghiệp hóa việc canh tác cây cà phê nên đã tạo ra sự đột phá về năng suất, làm lung lay vị thế xuất khẩu cà phê số 1 của Việt Nam cả về lượng và chất. Bà con nên lưu ý để học hỏi và thay đổi để kịp thời cạnh tranh.

Đặc điểm thực vật của cây cà phê

  • Thân lá rễ cây cà phê: Cà phê là cây thân gỗ nhỏ, chiều cao nếu để tự nhiên có thể đạt đến 5m (cà phê chè), 6-8m (cà phê vối) và trên 10m (cà phê chè), Tuy nhiên trong môi trường canh tác để thuận tiện cho thu hoạch, chủ yếu người canh tác sẽ hãm ngọn cho cây ở chiều cao 2-4m. Lá cây cà phê có hình mũi mác, thon dài, mặt trên thường xanh đậm và bóng hơn mặt dưới, mọc đơn và đối xứng 2 bên cành. Chiều dài lá từ 20-25cm, chiều rộng từ 10-15cm. Gân lá thường hằn xuống mặt lá tạo ra cảm giác lồi lõm đặc trưng. Rễ cà phê là loại rễ cọc, có thể ăn sâu xuống đến 3m, các rễ phụ tỏa rộng đến 4m. Tuy nhiên vào mùa khô cây chịu hạn kém. Cần phải tưới bổ sung 3-5 đợt để bảo đảm năng suất.
  • Hoa cà phê: Có màu trắng, nở thành chùm theo mỗi nách lá, có mùi thơm dễ chịu thu hút các loại côn trùng đến thụ phấn. Hoa thường nở thành 1-2 đợt vào mùa khô, khi được cung cấp đủ nước hoặc gặp mưa trái vụ.
  • Quả cà phê: Quả có hình bầu dục, đậu thành chùm sát nhau, to khoảng 1cm, bên trong có 1-2 hạt (còn gọi là nhân) thường có hình bán cầu, một mặt phẳng ép vào nhau mặt bên ngoài có hình vòng cung. Ngoài lớp vỏ bên ngoài mềm thì bao quanh mỗi hạt còn lớp vỏ lụa, giòn và hơi cứng. Khi quả còn non có màu xanh đôi khi có sọc nhạt, khi chín chuyển sang màu cam hoặc đỏ thẫm. Thời gian từ lúc đậu quả đến thu hoạch là 7-9 tháng.

Thời gian sinh trưởng và thu hoạch cà phê

Thông thường cà phê sau khi trồng khoảng 2-3 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch, giai đoạn thu hoạch chính là năm thứ 4 trở đi, sau đó giảm dần đến khoảng 20-25 năm là cần thay thế hoặc cải tạo. Tùy theo giống cà phê và kỹ thuật canh tác mà năng suất sẽ khác nhau. Đối với cà phê vối các giống cao sản được tuyển chọn như: giống cà phê TR4, cà phê TR9, cà phê TRS1, cà phê dây Thuận An, cà phê xanh lùn TS5… năng suất mỗi hecta sẽ khoảng 6-8 tấn (cây ghép) hoặc 4-6 tấn (cây thực sinh ươm từ hạt)

Thời vụ thu hoạch là khoảng tháng 11 đến tháng 1 dương lịch. Sau khi thu hoạch cần được phơi hoặc sấy sau đó xay tách nhân ngay, tránh để bị ẩm dễ dẫn tới mốc – đen nhân, làm giảm giá trị thương phẩm. Ngoài ra cũng phải thu hoạch khi số lượng quả chín đạt trên 90% là tốt nhất. Phần vỏ trấu có thể tận dụng ủ thành phân hữu cơ cho tiếp tục bón cho cây.

Một số hình ảnh cây cà phê

Hình ảnh cây cà phê
Hình ảnh cây cà phê
Hình ảnh hoa cà phê
Hình ảnh hoa cà phê
Hình ảnh trái cà phê
Hình ảnh trái cà phê

Tìm kiếm : cách làm trắng da tự nhiên vuacaygiong com

Bình luận
Đang tải bình luận