Giới thiệu kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ
Tóm tắt nội dung
Kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ sẽ giúp cho bà con thay đổi giống bơ năng suất chất lượng hơn, mà không cần đốn bỏ gốc bơ sẵn có. Thích hợp với các vườn bơ tạp (trồng tư hạt) hoặc vườn bơ có giống không ưng ý. Mời bà con cùng tham khảo
Giới thiệu kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ
- Có thể thực hiện trên những cây bơ đã lớn mà không phải cưa bỏ trồng mới
- Ghép thất bại có thể thực hiện lại cho đến khi thành công
- Một gốc bơ có thể ghép nhiều giống bơ khác nhau (tuy nhiên không khuyến khích vì mỗi giống có thời điểm ra hoa, đậu quả khác nhau, quá trình chăm sóc sẽ phức tạp)
- Sau khi ghép cải tạo, thời gian ra trái rất nhanh, 1-2 năm là có thể thu hoạch trái của giống bơ cải tạo
- Giúp cải thiện kinh tế nhờ vào những giống bơ trái vụ, giống bơ sáp năng suất hơn so với giống bơ thường, thu hoạch chính vụ
Những phương pháp ghép cải tạo bơ phổ biến
Hiện tại có 3 phương pháp ghép cải tạo, mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng, tùy theo độ tuổi của gốc ghép, điều kiện khí hậu mà chọn phương pháp phù hợp
- Phương pháp 1: Ghép cải tạo chồi đầu ngọn. Ưu điểm: Dễ thực hiện, nhanh ra trái, cành ít bị gãy đổ khi lớn. Nhược điểm: Tốn chồi, chỉ phù hợp với các gốc ghép 1-3 năm tuổi
- Phương pháp 2: Ghép đóng đầu cành. Ưu điểm: Ít tốn chồi, chồi sau ghép khỏe mạnh, dễ quản lý. Nhược điểm: Tỷ lệ thành công thấp hơn phương pháp 1, chồi ghép dễ gãy đổ nếu gặp gió mạnh, cần neo chống cho đến khi chồi lớn và cứng cáp
- Phương pháp 3: Ghép vỏ, tương tự như ghép đóng đầu cành, nhưng sau khi ghép thành công. Ta mới tiến hành cưa ngọn. Ưu điểm: Dễ thực hiện, có thể tiến hành nhiều lần cho đến khi thành công. Nhược điểm: Tương tự như phương pháp ghép đóng đầu cành
Cách chọn chồi bơ ghép cải tạo
Chồi ghép cần phải lấy từ những cây có tuổi thọ từ 5 năm trở lên, thuộc những giống bơ năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như: Giống bơ bút, giống bơ 034, giống bơ hass, giống bơ reed… Trên mỗi chồi có 2-4 mắt ngủ (mầm ngủ, mầm gạo…), chồi bánh tẻ, không quá già không quá non. Khi lấy chồi thì trước đó không nên bón phân (ít nhất 20 ngày)
Hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo bơ
Kỹ thuật ghép nêm chồi đầu ngọn
- Trên những gốc ghép 1-3 năm tuổi, chọn những cành khỏe mạnh, phát triển đều xung quanh gốc
- Cắt ngang phần ngọn, chẻ dọc chính giữa 1-2 cm
- Phần chồi dùng dao vát nhọn gốc chồi thành hình chữ V, trên chồi phải có từ 2-3 mắt gạo
- Đặt chồi vào phần đã chẻ dọc ở ngọn cây ghép
- Dùng dây ghép (dây nilon) quấn kín chồi từ vị trí đặt chồi lên ngọn chồi
- Dùng túi nilon nhỏ đạy lên bên trên
- Khoảng 20-25 ngày khi chồi sống, ra mầm từ các mắt gạo ta tháo túi nilon
- Khi mầm dài 30-40cm, tiến hành tháo dây ghép tránh bó thân
Kỹ thuật ghép đóng đầu cành
- Dùng cưa cắt ngang các cành có kích thước 2-5cm
- Dùng dao rạch vỏ 2 đường song song từ vết cưa, tách nhẹ phần vỏ cho hở ra một ít
- Vát chồi nhọn thành hình chữ V ở gốc chồi
- Đặt phần nhọn của chồi vào phần hở của vỏ, ấn nhẹ cho vỏ tách ra.
- Dùng dây ghép (dây nilon) quấn kín vết cắt, thân chồi, vết cưa, không cho nước thấm vào
- Tùy theo đường kính thân cành của gốc ghép, mỗi vị trí cưa ta có thể ghép từ 1-4 chồi, phân bổ đều
Kỹ thuật ghép vỏ
- Thực hiện tương tự như ghép đóng đầu cành, nhưng không cưa cành trước mà chỉ rạch vỏ, đặt chồi ghép và quấn lại, chờ chồi sống mới cưa cành
Như vậy ta đã thực hiện xong việc ghép cải tạo cây bơ, ghép cải tạo vườn bơ. Bài viết có sử dụng hình ảnh cắt từ video của các kênh: Tập làm nông dân, Việt Nam nông nghiệp, nguyendoan lam. Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ. Thời gian tới vườn ươm Tiến Đạt sẽ thực hiện video để bà con tiện theo dõi. Chúc bà con thành công
- Kỹ thuật thực hiện
- Ảnh minh họa
- Thông tin khác